Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ 11/7

Từ ngày 11/7, sầu riêng của Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc. Những lô hàng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo đó, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây. Khi tới cửa khẩu, hải quan nước này sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch với quả sầu riêng.

Những lô hàng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Đặc biệt, quả sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này và không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.

Nghị định thư này có hiệu lực trong 3 năm kể từ ngày ký. Trong 2 năm đầu tiên, cán bộ của Bộ NN&PTNT phải kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.

Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc, phát hiện lẫn đất, lá thì lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy.

Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ NN&PTNT phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của GACC.

Tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng.

Đồng thời, phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…

Ngoài ra, các vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác…

Nguồn: https://vietnambiz.vn/sau-rieng-duoc-xuat-khau-chinh-ngach-sang-trung-quoc-tu-117-2022711155217861.htm