Đã đến lúc nghĩ đến những ‘Nông sản hạnh phúc’

(Chinhphu.vn) – Tại Hội nghị trực tuyến triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 8/9, câu chuyện của Bộ trưởng Lê Minh Hoan được chú ý khi nói về nông sản trong chiếc hộp sơn mài đen. Theo Bộ trưởng: “Trong này lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có cả Nghị quyết 19 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Những nội dung chính sách được Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đến là Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 18/1/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Nông sản hạnh phúc” được làm từ nông dân chuyên nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ một thực tế: Nền nông nghiệp của chúng ta vốn thiếu thông tin và dữ liệu để điều hành, người nông dân sản xuất thiếu thông tin về thị trường, thị trường thì thiếu xuất xứ, nguồn gốc nông sản, đôi khi cơ quan quản lý cũng thiếu thông tin về cung-cầu.

Không những vậy, nông nghiệp Việt Nam còn là nền nông nghiệp đánh đổi. Lâu nay chúng ta vẫn suy nghĩ bán được bao nhiêu, thu được bao nhiêu tiền, nông dân lợi nhuận bao nhiêu mà không tính chi phí đầu vào như thế nào. Một thời gian dài tập trung nâng cao năng suất đã khiến chúng ta đánh đổi môi trường sinh thái, cộng đồng, sức khỏe nông dân bị ảnh hưởng khi sản xuất không đúng quy trình.

Điều đó đã gây hệ lụy kéo dài do một nền nông nghiệp không chuyên nghiệp, tự phát. Do đó, phải dựng lên, kiến tạo nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Mà muốn có điều đó thì phải có nông dân chuyên nghiệp, muốn nông dân chuyên nghiệp thì phải tri thức hóa người nông dân.

Nghĩa là người nông dân không thể làm theo kinh nghiệm mãi, không thể lúc nào cũng “trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, biến động thị trường cạnh tranh khốc liệt, nếu sản xuất nghiệp dư sẽ không bảo đảm sự cạnh tranh bền vững, nếu có cũng chỉ thắng lợi trong một vài mùa vụ.

“Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, nông dân là mắt xích đầu tiên của chuỗi ngành hàng, do vậy phải hỗ trợ nông dân chuẩn hóa được sản phẩm thì bán ra thị trường mới được giá.

Để làm được những điều đó, nông dân phải được trang bị kỹ năng, có tinh thần hợp tác với cộng đồng, biết dựa vào sức mạnh cộng đồng chứ không đi lên một mình, cùng nhau tham gia vào cộng đồng của nông dân, có thể bắt đầu từ hội quán, chi, tổ, hội nghề nghiệp để cùng chia sẻ, hướng dẫn nhau cách làm ăn. Bắt đầu từ đó, câu chuyện tri thức hóa đã hình thành. Ví dụ như ở Hội quán Đồng Tháp, giờ người nông dân đã thẩm thấu được câu: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.

Nông dân chuyên nghiệp, trước hết là người có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người nông dân chuyên nghiệp phải biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình; biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng. 

Nông dân chuyên nghiệp trước hết là người có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng, là người có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho hôm nay và cho thế hệ tương lai.

Nông dân chuyên nghiệp cũng là người có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế, hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. 

Trải lòng về con đường phát triển của nông nghiệp và các thế hệ nông dân tương lai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nhiều năm liền, cứ nói đến nông nghiệp là nói đến sự vất vả, gian truân, hệ lụy là hiện nay có xu thế con em nông dân rời xa nông nghiệp. Nếu không trân quý nông dân, coi trọng sản xuất nông nghiệp thì trong tương lai sẽ có vấn đề xã hội, tạo sự đứt gãy của dòng chảy xã hội.

“Do đó, đã đến lúc người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, làm ra những sản phẩm an toàn, trách nhiệm và khi nhắc đến là cảm thấy tự hào. Nhiệm vụ của ngành chức năng, các hội đoàn thể là phải kiên trì cùng người nông dân định hình lại nền nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/da-den-luc-nghi-den-nhung-nong-san-hanh-phuc-102220910100902148.htm